Vì sao ngồi thiền không thôi thì chưa đủ?

Chap nhấn mạnh vào chữ “hành” ở trên là bởi đó là điều mấu chốt giúp cho chúng ta đạt được những thay đổi tích cực thật sự.
Một điều cũng vô cùng quan trọng khác mà người tập thiền cũng thường không chú ý đến trong quá trình làm lắng dịu tâm mình. Có lẽ người ta thường nghĩ theo một chiều rằng thiền giúp cho tâm được bình yên và rằng cứ ngồi thiền chăm chỉ thì sự bình yên đó sẽ tự nhiên đến. Nhưng bạn đã thấy thực tế chứng minh cho ý nghĩ trên là như nào rồi. Và bạn có bao giờ cho rằng mình cũng phải làm gì đó giúp việc ngồi thiền đạt kết quả tốt hơn không? Vì rốt cuộc, tất cả những điều bạn làm cũng chỉ để đạt được sự bình yên trong mình cơ mà.

Chap có quen một số bạn ngồi thiền rất chuyên tâm. Mỗi ngày các bạn có thể ngồi suốt nhiều giờ liền. Tuy nhiên, đối với nhiều sự việc và con người trong cuộc sống thường ngày, có thể các bạn chưa giữ được sự trung dung, bình thản như lúc thiền. Yếu điểm nào đó của người khác được các bạn đem ra bàn luận, phân tích, đánh giá, coi đó như một sai phạm không thể chấp nhận và tha thứ. Rồi từ câu chuyện nói vui với nhau lúc rảnh rỗi, mỗi ngày, sự khó chịu về nhân vật chính lại lớn dần lên, tới nỗi các bạn giữ trong tâm mình sự ghét bỏ, coi thường người đó, thậm chí còn không thể tiếp tục làm việc với họ và ra đi trong nỗi chán nản. Nếu các bạn cũng đã ngồi thiền chăm chỉ mà tâm vẫn bất an thì nên suy ngẫm thêm về câu chuyện này.

Có những thói quen trong lối sống, tính cách mà đôi khi chúng ta cho đó là lẽ thường tình, là điều hiển nhiên, chẳng ảnh hưởng gì tới hòa bình thế giới. Thế nhưng, sự bình yên trong mỗi chúng ta lại bị quyết định phần lớn ở những điều ấy. Cũng giống như những người bạn trong câu chuyện trên, họ sẽ mất thêm bao nhiêu thời gian ngồi thiền để dẹp hết các khó chịu, bức xúc trong lòng vì một người chỉ có duyên gặp gỡ, làm việc trong thời gian ngắn? Đâu chỉ một lần ngồi thiền an yên đã đủ, vì sau khi xả thiền, những xúc cảm đó sẽ lại nhanh chóng ùa về và bủa vây lấy tâm họ. Vậy có hơn chăng là chúng ta kiểm soát mình, giữ cho những thói quen xấu, các ý nghĩ chưa tốt không còn cơ hội lặp đi lặp lại để tâm được bớt đi những lần dậy sóng? Lúc bình thường mà tâm không quá xao động thì chẳng phải việc ngồi thiền cũng sẽ đạt hiệu quả tốt hơn phải không bạn?

Thực ra, trong những lần trao đổi với bạn đọc qua fanpage Hơi Thở về vấn đề trên, Chap rất muốn đưa ra cho các bạn một lời khuyên mà vì giới hạn nào đó nên không phải ai Chap cũng chia sẻ về nó. Thiền là một hoạt động riêng biệt, cũng không là tôn giáo, tín ngưỡng hay triết lý nào cả. Tuy nhiên, các tôn giáo hay phương pháp giúp con người ta vượt thoát khỏi khổ đau đều đưa thiền vào làm một trong số những cách thức để luyện tâm, trong đó phải kể đến Phật giáo và Yoga. Không có phương pháp nào mà ngày ngày chỉ có ngồi thiền là sẽ đạt được điều mà mình mong muốn vì điều đó rất dễ khiến người tập sa vào con đường lầm lạc.

Trong Yoga, thiền là bước thứ 6 trong số 8 bước để đạt tới sự hợp nhất giữa ý thức cá nhân với ý thức vũ trụ, hiểu nôm na là việc ta gỡ bỏ được cái tôi ích kỷ trong mình, sống với cái ta rộng lớn luôn bao dung, yêu thương và bình yên tuyệt đối. Nhưng bạn có biết 2 bước đầu tiên trên hành trình hợp nhất đó là gì không? Đó đơn giản là những nguyên tắc đạo đức, đối nhân xử thế và giữ gìn cho thân thể, tâm hồn ta được trong lành, gạn bớt đi phần nào những xáo động, tạp niệm. Để rồi, khi người tập tiến dần lên các bước tiếp theo, cho tới bước của thiền thì những sóng tâm đã gần như được dịu lại, mở đường cho bước tiến cao hơn trong tâm thức.

Thiền cũng là một tông phái lớn trong đạo Phật nhưng trước khi được hướng dẫn về thiền, người mới bước đầu tu học đều buộc phải giữ đúng 5 giới luật, cũng là 5 nguyên tắc đạo đức căn bản nhất để hướng dần con người ta đến những điều thiện. Ngoài ra, việc lắng nghe, học tập giáo pháp cũng cho ta biết những hướng đi cần thiết và đúng đắn để vun bồi đức hạnh, trí tuệ, tu sửa dần những thói quen chưa tốt gây nên bất an cho tâm.

Bởi vậy, sẽ thật thiếu sót nếu bạn chỉ ngồi thiền và chẳng làm thêm điều nào khác nữa để nuôi dưỡng sự bình yên trong tâm mình. Có nhiều việc phải làm lắm đó khi mà những điều chúng ta vô tư thực hiện hàng ngày cũng đồng thời góp phần khiến mặt hồ tâm dậy lên những cơn sóng. Chap không thể kể hết ra những điều mà chúng ta phải thực hiện hay thay đổi về cách cư xử, giao tiếp, phản ứng trong các trường hợp, hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống, khi ta làm việc, vui chơi, ăn uống, đi lại… Đó là lí do vì sao Chap mong bạn có thể tìm hiểu thêm Yoga và nhất là Phật giáo. Bởi ở đó đã chứa đựng hết những gì bạn cần học, cần HÀNH trong đời sống hàng ngày để nuôi dưỡng sự an lạc trong tâm.

Chap nhấn mạnh vào chữ “hành” ở trên là bởi đó là điều mấu chốt giúp cho chúng ta đạt được những thay đổi tích cực thật sự. Nhiều người tập Yoga rất giỏi, làm được nhiều tư thế khó nhưng chưa chắc đã biết tới Yama, Niyama là gì, có chăng biết thì chỉ là biết vậy thôi. Có những người lại nắm chắc các giáo lý nhà Phật và dường như đã hiểu rất sâu khi giảng giải cho người khác nghe, nhưng việc thực hiện nơi mình thì chưa đáng kể. Vậy nên, không có thực hành thì mọi lý thuyết đều trở nên sáo rỗng và rốt cuộc, mục tiêu cuối cùng mà ta cần đạt tới vẫn còn “xa lắc xa lơ” lắm.

Rèn luyện tâm là một quá trình tổng hợp của nhiều phương pháp, cách thức cùng nương tựa và hỗ trợ cho nhau. Chỉ khi nào chúng ta thực hiện tất cả chúng một cách đồng nhất thì mới có thể nhận được thành quả đáng kể. Ngồi thiền hay thiền tập nói chung để chúng ta tỉnh thức hơn trong những suy nghĩ, lời nói, hành động đời thường. Ngược lại, những suy nghĩ, lời nói, hành động đó cũng luôn phải được kiểm soát, điều chỉnh theo quy tắc đạo đức, ứng xử đúng đắn thì mới hỗ trợ cho thiền phát huy hiệu quả hơn nữa. Bởi vậy, ngồi thiền không thôi sẽ không thể đủ được đâu bạn nhé!

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *