Bên tự tập Yoga tại nhà hay tham gia vào các trung tâm?

Còn khi điều kiện không cho phép thì lắng nghe cơ thể là điều bạn cần ưu tiên hàng đầu khi tập luyện, bởi những tiếng nói phát ra từ bên trong là chân thực nhất, phản ánh mong muốn, nhu cầu thật sự của chính bạn.

Có một nghịch lý thú vị là khi có ai đó muốn tìm hiểu về Yoga thì Chap đều khuyên các bạn nên tìm tới những trung tâm Yoga để bắt đầu việc tập luyện với các giáo viên có kinh nghiệm, trong khi đó thì bản thân Chap lại là người trước giờ đều dành phần lớn thời gian tự tập. Cũng có những bạn từng hỏi Chap về vấn đề rằng tập Yoga tại nhà tốt hơn hay nên ra trung tâm để tập thì tốt hơn? Dĩ nhiên, điều gì cũng có hai mặt của nó, và bây giờ, chúng ta cùng tìm hiểu về những mặt lợi hại của các lựa chọn này để bạn tự rút ra câu trả lời cho mình nhé!

Yoga vốn không phải là một môn thể dục bình thường và thật sai lầm nếu chúng ta chỉ chú ý về vấn đề thể chất, cơ học trong quá trình tập luyện. Yoga mang ý nghĩa về sự hợp nhất của cơ thể, tinh thần, tâm trí của con người. Bởi vậy, song song với việc rèn luyện thể chất, các bài tập Yoga còn hướng người tập quay trở về thế giới bên trong mình, nơi mà ta đã chẳng mấy quan tâm khi mải mê chạy theo những hấp dẫn bên ngoài. Điều đó được thực hiện nhờ vào sự chú tâm cảm nhận cơ thể kết hợp cùng với việc hít thở dài và sâu.

Lý thuyết là như vậy nhưng thực tế thì luôn diễn ra theo một cách khác, nhất là khi phong trào tập Yoga đang trở nên ngày một “nóng”. Các bài tập được thiết kế cho phù hợp với thị hiếu của con người thời hiện đại. Và hẳn nhiên, tính truyền thống của chúng phần nào đã bị mai một. Thử nghĩ xem với một chuỗi tư thế chuyển động nhanh và mạnh thì tâm trí bạn có lúc nào được rảnh rang mà cảm nhận tác động của từng tư thế lên cơ thể mình? Hay nhiều khi bạn đang phải gồng mình lên để cố thực hiện hay giữ một tư thế nâng cao thì sự hít thở còn trở nên khó khăn chứ chưa nói tới việc hợp nhất thân và tâm như thế nào. Đó là thực tế vẫn đang diễn ra ở nhiều phòng tập.

Ngay cả khi bạn được hướng dẫn tập chậm rãi, nhẹ nhàng hơn thì với một không gian từ hơn chục cho tới vài chục người trong một lớp học, sự phân tâm vẫn xảy ra. Nó dẫn đến từ việc chúng ta phải nghe hướng dẫn từ giáo viên, ảnh hưởng của người bên cạnh hay ý nghĩ phải tập cho bằng hay hơn mọi người. Rất nhiều điều từ bên ngoài tác động lẫn sự phát khởi tự bên trong khiến sự chú tâm vào hơi thở, vào cơ thể ta không còn được trọn vẹn. Nếu bạn muốn tìm kiếm sự hợp nhất, yên bình bên trong, như tinh thần mà các bậc thầy xưa kia hướng tới, thay vì tập chỉ để ra mồ hôi, làm các tư thế đẹp, thì theo Chap, những điều trên là điểm trừ cho việc tập Yoga tại các trung tâm hay lớp tập bên ngoài.

Tuy nhiên, Chap vẫn luôn hoanh nghênh và khuyến khích mọi người tìm tới các trung tâm để tập luyện, bởi, “không thày đố mày làm nên”. Việc tập Yoga một cách có hệ thống với hướng dẫn cụ thể về kĩ thuật thở và kỹ thuật thực hiện tư thế từ các giáo viên sẽ giúp những người mới tập bớt đi sự lúng túng so với việc tự tập. Các giáo viên, huấn luyện viên Yoga sẽ dạy cho bạn cách để thực hiện các tư thế ở từng mức độ phù hợp với cơ thể, thể trạng mỗi người, cho bạn chỉ dẫn về lợi ích cũng như chống chỉ định cần thiết để bạn biết mình có thể thực hiện tư thế đó ở mức độ nào. Bạn cũng sẽ được giáo viên chỉnh sửa trực tiếp để tập đúng định tuyến và hạn chế rủi ro xảy ra những chấn thương. Một điều quan trọng nữa chính là tinh thần tập thể ở lớp học sẽ giúp bạn có động lực tập luyện đều đặn. Nhiều khi mưa gió bão bùng, những việc khác bạn có thể bỏ chứ tới lớp Yoga là không thể không đi ý chứ, phải vậy không nhỉ?

Về bản thân Chap mà nói thì Chap lại thích tự tập luyện một mình hơn. Việc tự tập có thể không cho chúng ta hưởng được những lợi ích như khi tập tại trung tâm. Đổi lại, nếu bạn tập chậm rãi và thực hiện bằng tất cả sự tập trung, hòa mình vào mỗi chuyển động kết hợp cùng hơi thở, bạn sẽ thấy nhiều điều kỳ diệu xảy ra bên trong mình. Trước đây, dù cơ thể có lên tiếng, gào thét báo động, chưa chắc chúng ta đã để ý tới. Trước đây, ta chỉ nghĩ rằng hơi thở đem đến cho ta sự sống mà chưa ý thức được một hơi thở sâu, đưa dưỡng khí tới từng tế bào lại tiếp thêm sức mạnh cho ta đến thế. Tất cả những điều đó sẽ được bạn ý thức hơn, cảm nhận rõ rệt hơn khi lắng nghe cơ thể mình trong sự tập trung và yên lặng. Rồi từ đó, sự kết nối với bên trong, hòa hợp giữa thân thể và tâm trí được hình thành. Sau mỗi buổi tập, ngoài một sự thoải mái về thể chất bên ngoài, bạn cũng sẽ thấy tâm mình như vừa được gột rửa khỏi những lớp bụi bặm đã bám rễ từ lâu. Những xáo động, bất an vốn có cũng dịu lại tự lúc nào, chỉ còn lại một sự trong lặng và bình yên. Có lẽ vì như vậy mà Chap thấy mình đạt được nhiều lợi ích về tinh thần từ việc tự tập Yoga hơn là so với khi ra ngoài trung tâm để tập.

Tuy nhiên, việc tự tập luyện Yoga tại nhà lại kèm theo đó những rủi ro tập sai cách. Nếu như bạn đến với Yoga trong sự vội vã mà chưa tìm hiểu kỹ, chưa biết Yoga thực sự là gì, cần thực hành với thái độ ra sao thì chưa chắc bạn có thể tận hưởng được những lợi ích từ Yoga. Một người bạn được Chap giới thiệu cho những video để tự tập tại nhà do không có điều kiện ra ngoài trung tâm tập, sau một vài buổi, bạn phản hồi rằng cứ tập xong là bạn căng hết cả đầu. Chap mới hỏi thêm một vài câu hỏi thì biết rằng do chưa biết cách, bạn đã để cơ thể mình bị căng thẳng trong lúc tập. Thay vì thả lỏng, bạn lại lúng túng giữa việc hít thở bằng bụng và kết hợp khi thực hiện tư thế. Điều đó khiến tâm trí bạn bị rối và phải căng lên để kiểm soát cơ thể. Ấy mới chỉ là lỗi nhỏ dễ khắc phục, còn những thói quen xuất phát từ việc thực hiện sai cách lâu ngày mới là điều đáng ngại ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm trí chúng ta.

Việc tự tập luyện đòi hỏi bạn phải tự tìm hiểu nhiều hơn cũng như lắng nghe cơ thể để phát hiện ra bất kỳ điều gì bất thường để điều chỉnh dần. Nó cũng đòi hỏi ở bạn nhiều nghị lực. Bởi đôi khi, việc tập một mình tạo nên cảm giác nhàm chán, khiến ta dễ phát sinh những ý nghĩ về sự lười biếng hay nản chí.

Tới lớp tập hay tự tập ở nhà có những ưu nhược điểm như vậy. Thế nhưng, mỗi người mỗi thể trạng và cách cảm nhận khác nhau hẳn sẽ biết mình phù hợp với điều nào hơn. Cũng không có giới hạn cụ thể nào cho những gì Chap đưa ra ở trên. Bởi nếu chỉ chạy theo trào lưu thì dù tập ở bất cứ đâu, bạn cũng chỉ chạm tới lớp vỏ ngoài cùng của Yoga và chấn thương là điều dễ hiểu. Ngược lại, biết quan tâm tới trạng thái của tinh thần, tâm trí thì bạn cũng sẽ sớm gặt hái được sự an bình, tĩnh lặng và những nhân duyên mới sẽ xuất hiện, đưa bạn tiến những bước sâu hơn, ngoài việc tập luyện asana thông thường.

Để hài hòa việc tập luyện, bạn cũng có thể kết hợp hai cách thức lại với nhau. Vừa tự tập luyện tại nhà để cảm nhận sâu hơn về cơ thể, vừa tham gia lớp tập để được hướng dẫn kỹ thuật đúng và chỉnh sửa những sai sót. Như vậy là cùng lúc, bạn đã tận dụng được phần lớn các lợi thế của mỗi cách thức. Còn khi điều kiện không cho phép thì lắng nghe cơ thể là điều bạn cần ưu tiên hàng đầu khi tập luyện, bởi những tiếng nói phát ra từ bên trong là chân thực nhất, phản ánh mong muốn, nhu cầu thật sự của chính bạn. Bạn không tôn trọng cơ thể mình thì ai có thể thay bạn làm điều đó?

Từ những chia sẻ trên, mong là mỗi người sẽ tự cho mình câu trả lời với vấn đề được đặt ra từ ban đầu. Hãy thử một lần nhìn lại và suy nghĩ sâu hơn về lí do bạn tìm tới Yoga, những gì bạn đã và đang gặt hái được cũng như mục đích cuối cùng mà bạn hướng đến ở bộ môn này, rồi bạn sẽ có cho mình lựa chọn phù hợp hơn. Namaste!

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *