Những điều cần chú ý để hạn chế chấn thương trong yoga

Điều quan trọng là bạn phải thành thật với chính mình để không gây tổn thương cho cơ thể.
1. Kiểm tra thể trạng, hỏi ý kiến bác sĩ hay chuyên gia trước khi tập yoga

Nếu bạn đang có bất kỳ bệnh hay chấn thương nào thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hay chuyên gia trong lĩnh vực yoga trước khi theo đuổi bộ môn này. Chuyên gia ở đây là những người có hiểu biết chuyên sâu về yoga, thường là những giáo viên dạy yoga trong các phòng tập. Họ sẽ cho bạn lời khuyên hữu ích về những động tác và loại yoga nào phù hợp để bạn không làm tổn thương cơ thể và ngược lại còn giúp bạn nhanh chóng chữa trị bệnh hay chấn thương đó nữa.

2. Học hỏi kinh nghiệm từ giáo viên hướng dẫn

Giáo viên hướng dẫn về yoga thường là người đã trải qua một quá trình tập luyện yoga. Đồng thời các giáo viên đã tiếp xúc với nhiều người, nhiều trường hợp học viên khác nhau trong quá trình làm việc. Do đó họ có nhiều kinh nghiệm để bạn có thể học hỏi từ họ những vấn đề về việc tập luyện, những điều nên tránh khi tập để hạn chế những đáng tiếc có thể xảy ra trong quá trình tập yoga của bạn. Nếu khi tập, bạn chưa hiểu rõ một tư thế hay một vận động nào đó, thì cũng nên hỏi kỹ càng người hướng dẫn của mình.

3. Khởi động kỹ trước khi tập

Khởi động luôn là một phần không thể thiếu trong yoga hay bất kỳ một môn thể dục, thể thao nào. Khi bạn làm nóng kỹ lưỡng cơ thể trước buổi tập thì chấn thương khó xảy ra do gân cơ, dây chằng của bạn dễ bị tổn thương khi “nguội”. Vậy trước khi bước vào tập các động tác yoga thì bạn nhớ tập một số động tác khởi động các khớp cổ, vai, gáy, cổ tay, hông, đầu gối, cổ chân… nhé!

4. Mặc trang phục phù hợp

Trang phục cũng có thể là nguyên nhân gây nên các chấn thương nếu nó không phù hợp với cơ thể ta khi tập các động tác yoga. Trong yoga có rất nhiều động tác kéo giãn, quần áo không có độ co giãn, đàn hồi sẽ cản trở các bộ phận cơ thể của chúng ta khi thực hiện động tác đó. Nếu ta miễn cưỡng tập thì khả năng vận động sai chệch sẽ gây ra những tổn thương đáng tiếc.

5. Tập từ đơn giản đến phức tạp

Bạn là người mới bắt đầu tập yoga. Vậy đừng mong mình sẽ tập được các động tác đòi hỏi sự mềm dẻo cao như các giáo viên hướng dẫn. Cơ thể bạn còn cứng nên bạn phải bắt đầu với những động tác đơn giản, không đòi hỏi sự kéo dãn quá cao. Dần dần, sau một thời gian tập, các cơ trên cơ thể bạn mới giãn ra và bạn sẽ tập được những động tác khó hơn. Nếu tập quá giới hạn của mình thì nguy cơ bạn bị tổn thương không nhỏ đâu nhé!

6. Lắng nghe cơ thể bạn

Không ai hiểu rõ cơ thể bạn bằng chính bạn. Trừ khi bạn cố tình không chịu hiểu thôi, hehe. Nếu trong quá trình tập, bạn cảm thấy đau ở một vùng nào đó hay kiệt sức, thì bạn nên ngừng tập, nghỉ ngơi, cố tập tiếp chẳng giúp ích được gì, thậm chí còn gây nên chấn thương cho bạn. Nếu nghỉ ngơi xong mà vẫn còn đau nhức ở đâu đó thì bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ hay giáo viên hướng dẫn của mình để có những tư vấn và thay đổi cần thiết. Điều quan trọng là bạn phải thành thật với chính mình để không gây tổn thương cho cơ thể.

Trên đây là những lưu ý giúp cho việc tập luyện yoga của bạn được thuận lợi, phát huy những lợi ích mà yoga mang lại. Đừng để những chấn thương đáng tiếc xảy ra rồi đổ lỗi do yoga gây ra thì oan cho yoga lắm. Tất cả phụ thuộc vào bạn hết đó. Chúc bạn thành công!

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *